Dạy học theo định hướng phát triển năng lực cho người lớn

Đăng lúc: 22/10/2019 (GMT+7)

ThS. Hồ Sỹ Dũng – Trưởng Phòng Bồi dưỡng NCTĐ
 
       Ngày 04 tháng 11 năm 2013, Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng (lần thứ 8) khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 29/NQ-TW “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.
       Trong phần đánh giá tình hình GD&ĐT, Nghị quyết số 29 đã chỉ ra những yếu kém, hạn chế là: “… chất lượng, hiệu quả GD&ĐT còn thấp so với yêu cầu,..; còn nặng lý thuyết, nhẹ thực hành.”          
       Có nhiều nguyên nhân dẫn đến yếu kém, hạn chế. Trong đó, Nghị quyết cũng chỉ rõ “Việc xây dựng, tổ chức thực hiện chiến lược, kế hoạch và chương trình phát triển GD&ĐT chưa đáp ứng yêu cầu của xã hội.”
       Muốn thu hẹp khoảng cách giữa đào tạo nhân lực trong các cơ sở đào tạo với yêu cầu của thị trường lao động thì cần thiết phải đổi mới, từ việc xây dựng nội dung chương trình đào tạo, xây dựng nội dung học phần đến đổi mới phương pháp dạy học (PPDH) theo hướng tiêp cận năng lực người học. Để làm rõ vấn đề này, tôi xin trình bày một số nội dung liên quan như sau:
1. Một số đặc điểm của dạy học theo định hướng phát triển năng lực
       Dạy học phát triển năng lực đó là giúp người học có khả năng thực hiện các hoạt động dựa trên sự huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn kiến thức, kỹ năng khác nhau để giải quyết vấn đề hay có cách hành xử phù hợp trong từng hoàn cảnh cụ thể. Nghĩa là phải thay đổi quan  điểm, mục tiêu dạy học: từ chỗ chỉ quan tâm tới việc người học học được gì đến chỗ quan tâm tới việc người học làm được cái gì qua việc học.
       GV phải làm cho học viên (HV) biết tự học, tự vận dụng; luôn liên hệ với thực tiễn (đang thay đổi); làm cho HV biết làm việc nhóm, biết hợp tác và chia sẻ; Phải tận dụng sự hỗ trợ của phương tiện và công nghệ; Chú ý phát triển năng lực nghiên cứu khoa học kỹ thuật trong HV.
Dạy học ngày nay được hiểu là một quá trình gồm toàn bộ các thao tác có tổ chức và có định hướng giúp người học từng bước có năng lực tư duy và năng lực hành động với mục đích chiếm lĩnh các giá trị tinh thần, các hiểu biết, các kỹ năng, các giá trị văn hóa mà nhân loại đã đạt được để trên cơ sở đó có khả năng giải quyết được các "bài toán" hay vấn đề thực tế đặt ra trong toàn bộ cuộc sống của mỗi người học; dạy học phải hướng tới phát trển các phẩm chất, năng lực cần thiết cho HV. 
       Dạy học theo định hướng hình thành và phát triển năng lực người học không chỉ chú trọng phát triển các năng lực chung, cốt lõi mà còn chú trọng phát triển cả năng lực chuyên biệt (môn học). Do đó, cần tăng cường gắn hoạt động trí tuệ với hoạt động thực hành, ứng dụng trong thực tiễn. Tăng cường việc học tập theo nhóm, cộng tác, chia sẻ nhằm phát triển nhóm năng lực xã hội.
Theo quan điểm phát triển năng lực, việc đánh giá kết quả học tập không lấy việc kiểm tra khả năng tái hiện kiến thức đã học làm trung tâm, mà cần chú trọng đánh giá khả năng vận dụng một cách sáng tạo tri thức trong những tình huống ứng dụng khác nhau.
2. Vai trò của giáo viên và học viên trong dạy học theo định hướng phát triển năng lực
       Trong dạy học theo hướng phát triển năng lực, giáo viên không còn đơn thuần đóng vai trò là người truyền đạt kiến thức mà trở thành người hướng dẫn cho ngời học trên con đường đi tìm tri thức. Một cách cụ thể hơn, người thầy còn đóng vai trò là người thiết kế, tổ chức, hướng dẫn các hoạt động độc lập hoặc theo nhóm nhỏ để học viên tự lực chiếm lĩnh nội dung học tập, chủ động đạt các mục tiêu kiến thức, kỹ năng, thái độ theo yêu cầu của chương trình. Trước khi lên lớp, giáo viên phải đầu tư nhiều thời gian để thiết kế bài giảng sao cho đạt được chuẩn đầu ra; chọn lọc phương pháp giảng dạy và phương pháp đánh giá phù hợp với mục tiêu và nội dung bài giảng. Trong quá trình giảng dạy, giáo viên còn phải theo dõi các hoạt động tự học của học viên, giúp đỡ khi cần thiết, trao đổi thảo luận và góp ý để người học đi đúng hướng. 
       Như vậy, giáo viên trong giảng dạy và học tập theo hướng phát triển năng lực người học cần phải đầu tư công sức và thời gian rất nhiều so với kiểu dạy và học thụ động mới có thể thực hiện bài lên lớp với vai trò là người gợi mở, xúc tác, động viên, cố vấn, trọng tài trong các hoạt động tìm tòi hào hứng, tranh luận sôi nổi của học viên.
       Trên lớp, học viên không còn là người tiếp thu, lĩnh hội kiến thức của giáo viên một cách thụ động mà HV phải là chủ thể của hoạt động học. Học viên là người chủ động tìm tòi, khám phá, phát hiện kiến thức. Vì vậy, học viên phải thực sự có nhu cầu học và muốn học, tích cực tương tác với giáo viên và với các thành viên khác trong lớp học; tích cực trao đổi, thảo luận, phát huy vai trò tự học nhằm chiếm lĩnh kiến thức thông qua các hoạt động học tập trên lớp.
3. Các phương pháp dạy học chủ yếu dành cho người lớn
       Người lớn có lòng tự trọng cao. Người lớn muốn được đối xử tôn trọng và bình đẳng. Người lớn không muốn bị ra lệnh, ép buộc, áp đặt. Người lớn tự giác học tập mà không cần bảo ban, nhắc nhở nhiều như đối với trẻ em.
       Khác với trẻ em, người lớn có tính độc lập và chủ động cao. Trong học tập cũng như trong cuộc sống, người lớn mong muốn được độc lập, chủ động, muốn được tự quyết định mục đích, nội dung, hình thức và thời gian học. Đây là phẩm chất quan trọng cần khai thác để phát huy tính độc lập, chủ động; tự phát hiện, giải quyết vấn đề, đi đến kết luận của người lớn trong quá trình học tập.
       Người lớn có vốn hiểu biết và kinh nghiệm sống, sản xuất phong phú. Vốn hiểu biết, kinh nghiệm này có ý nghĩa sâu sắc đối với người lớn. Kinh nghiệm đối với người lớn là một cái gì đó khẳng định bản thân. Vì vậy, nếu kinh nghiệm của người lớn không được coi trọng hoặc bị lãng quên thì họ cho rằng điều đó không chỉ phủ nhận kinh nghiệm của họ, mà còn phủ nhận chính họ. Vốn kinh nghiệm của người lớn là những tư liệu thực tế rất có giá trị, có tác dụng giúp quá trình nhận thức của người lớn nhanh hơn, dễ dàng hơn và nhớ lâu hơn so với trẻ em. Đây là một thế mạnh của người lớn mà GV cần biết khai thác, phát huy. Khi hướng dẫn người lớn học, GV cần tôn trọng, tạo điều kiện để người học chia sẻ kinh nghiệm, học tập lẫn nhau. 
       Theo định hướng tiếp cận phát triển năng lực người học thì PPDH không chỉ chú ý tới mặt tích cực hoá hoạt động học tập của người học mà còn chú ý rèn luyện năng lực giải quyết vấn đề gắn với những tình huống thực, với hoạt động thực hành, thực tiễn. Tăng cường hoạt động nhóm, đổi mới quan hệ GV-HV theo hướng cộng tác, nhằm phát triển năng lực cá nhân, năng lực xã hội,... Bên cạnh việc học tập những kiến thức, kĩ năng riêng lẻ thuộc các môn học cần bổ sung các chủ đề học tập theo hướng tích hợp.
       Để dạy học theo định hướng tiếp cận năng lực cho người lớn, chúng ta cần tập trung chủ yếu vào các yếu tố như:
      - GV là người tổ chức hoạt động nhằm thúc đẩy việc học tập tích cực, chủ động của HV.
      - Khuyến khích việc tự học của học viên một cách hiệu quả.
      - Tạo một môi trường hỗ trợ học tập (gắn với bối cảnh thực)
      - Khuyến khích HV phản ánh tư tưởng và hành động.
      - Tăng cường trách nhiệm học tập của HV
      - Tạo điều kiện thuận lợi cho HV học tập, chia sẻ, trao đổi, tranh luận,...
      - Cung cấp đầy đủ cơ hội để HV tìm tòi, khám phá, sáng tạo
3.1. Phương pháp thuyết trình
       Giáo viên trình bày những nội dung, ý tưởng với tư cách là người diễn thuyết nêu vấn đề, dẫn dắt vấn đề, gợi mở định hướng và chứng minh vấn đề đưa ra để học viên nghe, ghi chép và tiếp nhận đúng vấn đề mà giáo viên đưa ra.
3.2. Phương pháp phát vấn
       Giáo viên nêu ra những câu hỏi có liên quan đến nội dung bài giảng để học viên trả lời. Thế mạnh của phương pháp này có tác dụng phát triển tư duy của học viên và có nhiều người cùng trao đổi về một vấn đề, giáo viên nhận xét, bổ sung và kết luận vấn đề.
*) Những điều cần lưu ý khi đặt câu hỏi phát vấn:
      - Hỏi những câu hỏi thực sự khuyến khích HV tư duy chứ không chỉ thuần tuý kiểm tra trí nhớ. Giáo viên cần khuấy động hứng thú của người học và buộc họ phải suy nghĩ bằng các câu hỏi gợi tư duy. Các câu hỏi yêu cầu nhớ lại thông tin sẽ không duy trì được sự chú ý của lớp học.
      - Đặt những câu hỏi tương xứng với khả năng của người học. Các câu hỏi quá thấp hay quá cao đối với khả năng của người học sẽ làm cho họ chán hay nhầm lẫn. Nên đưa ra các câu hỏi phù hợp với trình độ của đa số học viên, gắn liền với cuộc sống và công tác của người học.
      - Câu hỏi và câu trả lời phải được sử dụng làm cơ sở để người học chiếm lĩnh kiến thức.
      - Đặt các câu hỏi rõ ràng và đơn giản, câu hỏi phải hiểu được dễ dàng, tránh dài dòng văn tự.
      - Khuyến khích học viên đặt câu hỏi cho nhau và cho nhận xét. Việc làm này giúp cho người học trở nên tích cực hơn và hợp tác tốt hơn. 
      - Tóm tắt bài học dưới hình thức các câu hỏi, hoặc dưới hình thức một vấn đề để khuyến khích toàn lớp phải suy nghĩ. 
      - Tập trung vào trọng tâm:
      + Giáo viên chuẩn bị trước và đưa cho học viên những câu hỏi cụ thể, phù hợp với những nội dung chính của bài học.
      + Đối với các câu hỏi khó có thể đưa ra những gợi ý nhỏ cho các câu trả lời.
      + Quan sát những khác biệt về cá nhân, và giải thích câu hỏi để mọi học viên đều tham gia trả lời.
      + Trường hợp nhiều học viên không trả lời được, giáo viên nên tổ chức cho học viên thảo luân nhóm.
      + Giáo viên dựa vào một phần nào đó câu trả lời của học viên để đặt tiếp câu hỏi. Tuy nhiên cần tránh đưa ra các câu hỏi vụn vặt, không có chất lượng.
3.3. Phương pháp thảo luận nhóm
      a) Nội dung thảo luận nhóm
      Thảo luận là hình thức tổ chức cho người học trao đổi, tranh luận các vấn đề học tập, để tự rút ra được các kết luận theo yêu cầu bài học. Tùy từng vấn đề, từng phần kiến thức mà giáo viên tổ chức cho học viên thảo luận. Những vấn đề quá dễ, chỉ cần trả lời đúng hay sai hoặc nhìn vào sách, tài liệu là có đáp án thì không cần cho học viên thảo luận nhóm. Những phần kiến thức trong tài liệu có nhiều cách hiểu khác nhau, hoặc là những vấn đề quá phức tạp cần tranh luận tập thể để có sự thống nhất thì giáo viên nên tổ chức cho học viên thảo luận nhóm.
      b) Câu hỏi thảo luận 
      *) Xác định rõ mục đích khi đặt câu hỏi thảo luận 
      - Cung cấp, củng cố kiến thức.
      - Đào sâu, mở rộng hay làm sáng tỏ một vấn đề nào đó.
      - Tìm hướng hỗ trợ cho học viên trong quá trình công tác.
      *) Một số yêu cầu khi đặt câu hỏi thảo luận
      - Có tính mở
      - Phải có trọng tâm
      - Phải huy động kiến thức và kinh nghiệm của người học và người dạy
      - Kích thích tư duy sáng tạo của HV.
      - Dễ hiểu, diễn đạt ngắn gọn, khi đọc lên chỉ hiểu theo một nghĩa, câu hỏi chỉ bao hàm từ 1 đến 2 ý.
      - Phù hợp với sự hiểu biết và đặc điểm của học viên.
      - Giáo viên phải chuẩn bị phương án để giải quyết nội dung đưa ra thảo luận
3.4. Phương pháp động não
       Giáo viên nêu chủ đề, yêu cầu các nhóm hoặc mỗi cá nhân đưa ra một hoặc 2 ý tưởng về chủ đề trên trong khoảng thời gian 1 đến 2 phút. Giáo viên tổng hợp và nhóm các ý tưởng của học viên thành những ý tưởng chung. Với phương pháp này có tác dụng hướng học viên vào nội dung mà giáo viên cần giải quyết, buộc học viên phải tập trung tư duy và động não.
3.5. Phương pháp tình huống
      Giáo viên nêu tình huống, cả lớp hoặc nhóm nhỏ thảo luận phân tích và đưa ra các phương án giải quyết, giáo viên nhận xét và đưa ra các phương án cuối cùng.
3.6. Phương pháp đóng vai
      Giáo viên đưa ra các sự việc, hiện tượng hay tình huống cụ thể, yêu cầu các học viên đóng vai với tư cách là người trong cuộc để giải quyết sự việc trên. Giáo viên cùng cả lớp thống nhất phương án tối ưu.
      Dạy học theo định hướng phát triển năng lực người học là một xu thế của thời đại, đòi hỏi người thầy phải làm quen với những phương tiện dạy học hiện đại, sử dụng đa dạng các phương tiện kiểm tra đánh giá mới, tiếp cận về yêu cầu giáo dục hiện đại “lấy người học làm trung tâm” với những đòi hỏi mới nhằm bồi dưỡng giáo dục và phát huy kiến thức, kỹ năng, thái độ cho người học theo chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam hiện nay.
      Song, việc dạy học theo định hướng phát trển năng lực cho người lớn cần phải nắm vững những phương pháp trên đồng thời cần phải nghiên cứu những đặc trưng, đặc tính, tâm, sinh lý, điều kiện, hoàn cảnh, … của người lớn thì việc dạy học mới đạt hiệu quả và đáp ứng nhu cầu học tập của người lớn.